GIÁO DỤC TÌNH CẢM – Gustave Flaubert

Ai trong chúng ta cũng đều biết đến Franz Kafka, một nhà văn vĩ đại, người được ví như “thần tượng của những thần tượng”. Nhưng dĩ nhiên, ai lại cấm một con người có tầm vóc không được có thần tượng của riêng mình, và với Kafka cũng thế. Một trong những người mà ông ái mộ chính là Gustave Flaubert – tiểu thuyết gia lớn người Pháp, tác giả của Bà Bovary lừng lẫy – và quyển sách L ‘Éducation sentimentale (Giáo dục tình cảm) của ông là một trong những tác phẩm mà ông yêu thích nhất. Kafka đã viết về nó trong bức thư gửi vị hôn phu Felice Bauer như sau: “Mối tình trong cuốn sách này đã gắn bó với anh suốt nhiều năm mà có thể là chẳng giống ai. Anh mở nó ra và ngay từ những câu đầu tiên, anh đã sửng sốt và hoàn toàn nhập tâm, và luôn cảm thấy nó như đứa con tinh thần của mình, dù cho anh kém cỏi và vụng về.”(1)
Nếu diễn đạt như những gì ta từng nói về Kafka, thì ta có thể xem Flaubert là thần tượng của thần tượng của những thần tượng. Vậy Flaubert cùng với các tác phẩm của ông, đặc biệt là Giáo dục tình cảm đã làm được gì mà Kafka đã xem nó như đứa con tinh thần, và được ca ngợi muôn nơi như thế?
Giáo dục tình cảm là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Gustave Flaubert được xuất bản, khởi sinh từ tình yêu thầm kín của chính tác giả năm mười sáu tuổi với người phụ nữ Elisa Schlésinger lớn hơn mình mười hai tuổi và đã có chồng. Khó có thể nói quyển sách này, rốt cuộc, viết về điều gì. Đó có thể là một mối tình đầy mộng tưởng giữa chàng thanh niên Frédéric với vị thiếu phụ Arnoux, nhưng thật ra nó cũng không hẳn là chuyện tình. Đó cũng có thể là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, trọng điểm về cuộc Cách mạng Pháp 1848, cũng đúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Giáo dục tình cảm, với những gì tôi cảm nhận được, giữ một thứ ở mức lưng chừng, bất định. Cuốn tiểu thuyết như đặt người đọc vào một khu phố rõ là rộng lớn, rõ là chẳng có gì đặc biệt cả, và bảo ta hãy đi cho đến hết khu phố ấy. Ta cứ đi mãi, đi không mục đích, không rõ mình sẽ nhận được gì, sẽ tìm được gì. Ta cứ đi theo quán tính như trôi dạt trên một con thuyền, và đến tận cuối cuộc hành trình, ta cũng chẳng biết nó đã dẫn mình đến đâu.
[Review sách hay] Giáo dục tình cảm - Ảo mộng tiêu tan | ELLE
Sự mông lung, miên mang, không tìm được lối ra ấy, lại chính là điều làm nên giá trị của Giáo dục tình cảm. Theo tôi, nếu như ở Bà Bovary, để diễn tả sự cô độc và ham muốn vượt thoát của con người, nhân vật Emma Bovary thường bị nhốt trong không gian chật hẹp mà nàng chỉ có thể đọc sách, thì ở Giáo dục tình cảm, nhân vật chính Frédéric thường được đặt trong trạng thái trôi dạt. Anh trôi đi trên từng khu phố, từng đại lộ, mơ tưởng về bà Arnoux, và rồi không biết được mình trôi dạt như thế cho cái gì, vì cái gì. Điều đó làm ta liên tưởng đến sự trôi dạt vô phương hướng trong những tiểu thuyết của Patrick Modiano, một nhà văn Pháp đương đại khác, khi các nhân vật của ông cũng lang thang khắp các quảng trường, các ngõ phố, và rồi cũng biến mất, tan đi như chưa hề tồn tại. Sự lênh đênh của Frédéric là cảm thức chung của xã hội lúc bấy giờ. Ta nhận ra xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, Frédéric dường như luôn trong trạng thái bị động: anh như bị một bàn tay vô hình nào đó cuốn đi đến những nơi khác nhau, tham gia vào những sự kiện chính trị, dấn thân vào những phi vụ tình ái đặc trưng của giới nhà giàu, mà bản thân anh dường như cũng xa lạ với nó. Niềm si mê của anh đối với bà Arnoux là thứ lâu dài nhất mà anh có, nhưng cuối cùng nó cũng tựa như một tòa thành sụp đổ. Lịch sử cách mạng đã dìm chết những ước mơ, khát vọng, lý tưởng của một tầng lớp thanh niên trí thức, tạo nên cả một thế hệ đã mất, một thế hệ như những con thuyền long đong, lận đận trên cuộc hành trình thực hiện khát vọng sống. Có thể xem Giáo dục tình cảm như lịch sử của một con người trên cái nền lịch sử của nước Pháp thế kỉ mười chín, và hình tượng Frédéric chính là hình tượng của một thời đại. Về phương diện này, Flaubert đã cố gắng để dựng lại lịch sử cá nhân, giữ cho chúng không bị vô hình trong lịch sử cộng đồng, dân tộc.
Giáo dục tình cảm nói riêng và di sản văn chương của Flaubert đã tạo ra một định hướng mới cho sự tiếp nhận. Tiếp nhận văn học không chỉ dừng lại ở sự tri âm, đồng điệu với những gì nhà văn nói ra trong tác phẩm, mà người đọc còn phải trở thành kẻ đồng sáng tạo, chủ động tìm kiếm và chiếm lĩnh những khoảng trắng không được phơi bày trên trang giấy. Sự vô ngã nơi Giáo dục tình cảm thể hiện ở chỗ nhà văn ẩn mình sau những từ ngữ, hạn chế phác lộ bất kỳ đánh giá cá nhân nào. Vì thế, độc giả phải phát huy toàn bộ năng lực tiếp nhận của mình. Chính điều đó, mà công lao lớn Flaubert đã tạo nên được, theo Sándro Márai, là “dạy con người nhu cầu cảm quan chống lại sự giả dối và sự lười biếng của cảm xúc và nhận thức.” (trích Bốn mùa, trời và đất).
Vì sao chúng ta phải chống lại sự ù lì của nhận thức? Phải chăng, nếu thiếu đi những khúc nhạc lạc điệu với quán tính thông thường, thì chúng ta sẽ mãi đi theo một bản nhạc cũ kĩ, nhàm chán? Văn chương có giá trị phải là văn chương khiến con người ta luôn nghĩ về nó. Giống như Mishima Yukio đã cách tân kịch Noh bằng cách không đưa ra cho nó một kết thúc cụ thể, mà đặt ra vấn đề để độc giả tư duy và tìm kiếm câu trả lời. Như tôi đã nói ở trước, điều tuyệt vời đã làm nên cuốn tiểu thuyết cuối cùng này của Flaubert, chính là việc nó chẳng đi đến đâu. Dẫu cho tên truyện là về giáo dục, nhưng cuối cùng, không có một đích đến cụ thể nào cho sự giáo dục cả. Nó đặt ra cho ta vô vàn câu hỏi: Liệu Frédéric là người như thế nào? Anh ta là một con người đầy lý tưởng, hay là một kẻ chơi bời chẳng thể giải quyết được những vấn đề của mình? Mối tình của Frédéric và bà Arnoux là thật, hay chỉ là một thứ ảo mộng xa vời, như chàng đại gia Gatsby với Daisy, khi mối tình ấy có lúc lại cháy lên như ngọn lửa sáng bừng trong đêm đông, có lúc lại hờ hững, cách xa như những con đường song song, như một phế tích dễ dàng bị lãng quên trong dòng chảy cuộc sống? Flaubert đã tạo ra đích đến cuối cùng cho tiểu thuyết của mình chính là sự trăn trở. Sự trăn trở ấy đã làm nên tinh thần của văn chương thời hiện đại, đồng thời, nó cũng đặt nền móng cho tính trò chơi của tiểu thuyết sau này.
Chúng ta đều nhớ, vào thời điểm phát hành, tiểu thuyết Bà Bovary bị buộc tội vì những yếu tố trái ngược với luân thường đạo lý của thời đại; song, chính uỷ viên công tố cũng phải thừa nhận rằng, tác phẩm là một kiệt tác về hình thức nghệ thuật, có sự trau chuốt tỉ mỉ, tinh tế gần chạm đến sự hoàn chỉnh. Flaubert là một nhà văn mà theo tôi, phát huy được quyền năng của con chữ. Ông, bằng khả năng của mình, đã thu vào trong trang viết những thứ tầm thường đến những cái mỹ miều, những vẻ đẹp tâm hồn đến những thứ xấu xa bại hoại, những sự chán nản khó chịu đến tột độ song vẫn gợi nên một niềm luyến tiếc khôn nguôi của kiếp người và thời đại. Đó là thứ ngôn ngữ của một thế hệ tràn đầy ước mơ và hoài bão, song họ cứ luôn bị đặt vào vòng xoáy của nỗi thống khổ của việc làm người, và cứ thế, họ chẳng biết đi về đâu, để thời gian cứ trôi theo mạch tuyến tính, để cuộc sống cứ bị bào mòn dần, phân rã dần, trôi dần về nơi mênh mông xa thẳm. Văn chương của Flaubert, vì thế, có sự đa thanh, đa chiều kích, vừa viết về cái tầm thường nhưng cũng vừa cưỡng lại sự tầm thường, vừa gợi nên sự hoang tàn, mục ruỗng nhưng cũng giữ lại vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế.
Ngôn ngữ của Flaubert còn có sự đồng nhất với cảm thức của con người trong tác phẩm. Dường như với ông, chữ không chỉ tĩnh tại, duy chỉ dùng để báo hiệu mà còn là một thực thể sống, luôn vận động, luôn giàu nhạc tính, luôn bám theo từng nhịp thở tâm hồn của con người. Như khi viết về những cảnh lênh đênh trên phố của Frédéric, Flaubert khiến những câu văn dàn trải ra, tràn đầy những âm thanh, hình ảnh đan xen, chồng chéo lên nhau, khiến tâm trí người đọc cũng bị giày vò, bứt rứt, và rồi cũng trôi theo sự mênh mang, vô định của chính nhân vật. Hay theo dịch giả Lê Hồng Sâm, khi viết về khoảng thời gian của Đệ nhị Đế chế, ông coi đó là khoảng thời gian chẳng đáng để nhắc tới, và cô nén lại hơn mười lăm năm chỉ trong nửa trang giấy. Và trong cảnh tiễn biệt giữa Frédéric và bà Arnoux, khi phu nhân cắt đi một lọn tóc của mình cho anh, những câu văn tường thuật hết sức ngắn gọn, xuống dòng liên tục, như bị cắt ra, rơi vãi xuống. Điều đó trước hết truyền cho ta cảm giác về hành động, vừa khiến ta liên tưởng về một sự vỡ mộng, một sự tan đi, không còn gì có thể níu lại được nữa. Đó chính là cái hồn ẩn hiện trong con chữ của Flaubert. Bởi ngôn ngữ văn chương sẽ còn lại gì, nếu thiếu đi cái hồn đầy mỹ cảm ấy?
Trong cảnh cuối của cuốn tiểu thuyết, khi tổng kết lại cả một quãng đời của mình, để lý giải cho những sự rạn nứt, Frédéric bảo rằng mình “thiếu đường hướng thẳng”, còn Deslauriers lại nói rằng, anh “quá ư thẳng tắp”, và rồi, cả hai buông mình trôi theo dòng hồi ức của một thuở hoa niên tươi đẹp mà giờ đây, tất cả chỉ còn tồn tại trong ký ức. Sự lạc lối ấy của hai người, rốt cuộc, vì lý do gì? Ta cố gắng lý giải, nhưng dường như nó không còn quan trọng nữa. Văn chương có giá trị phải xem việc bảo vệ cảm thức lạc lõng, bơ vơ, thiếu điểm tựa nơi hồn người tránh khỏi bến bờ của sự lãng quên. Đó là lịch sử của tâm hồn, là lịch sử mà nghệ thuật hướng tới. Giáo dục tình cảm tựa như một bản trường ca kéo dài, vô định mà Flaubert đã trút hết nỗi lòng mình vào trong đó. Đó là cảm giác cô độc, là ảo mộng tình yêu – một cách ý nhị, tinh tế.
Dường như, ở thời đại nào, con người vẫn cô đơn và lạc lối như thế. Chúng ta khó có thể tìm được một giải pháp cụ thể nào để tránh khỏi nó, mà chỉ có thể chọn cách đối diện mà thôi. Và chừng nào con người còn mãi ngập chìm trong sự vô định, thì chừng đó, nhà văn vẫn cứ viết. Vậy thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *