“Đất là nguồn cội của sự sống, là nơi vạn vật sinh sôi nảy nở và lụi tàn, con người sinh ra, lập nghiệp, lập gia đình cũng gắn bó với đất, với tổ tiên, với gia đình, và đó cũng là điều chân quý con người cần vun đắp xây dựng”
Cả cuốn sách tóm gọn lại bằng 1 thông điệp như vậy. Vương Long tin tưởng chắc chắn vào chân lý ấy, và như một định mệnh, cuộc đời anh gắn chặt với từng thăng trầm trên mảnh đất quê hương mình. Xuất thân là một tá điền nghèo khó, chỉ với đôi bàn tay và trí óc mình, anh sớm thức tỉnh chân lý muôn thuở của cuộc sống , anh đã nắm thóp được số phận đời mình.
Dat lanh
Người ta nói “Đời người đàn ông nhất định phải có được 3 thứ : cưới vợ, mua nhà và tậu trâu. Nhưng riêng về khoản cưới vợ, tôi thực sự phục Vương Long sát đất : Làm trai khi đã chọn vợ thì phải chọn vợ đẹp, vợ quyền thế, cốt sao để bộc lộ cái uy của người chồng, nhưng kỳ lạ thay, anh lại không chọn người vợ như thế! Con nhà nông dân, cắm mặt với đất với trời, cưới được vợ như vậy thì sang quá sao anh kham được? Thế là anh chọn người vợ đúng chất “nhà nông” như mình mà trong truyện mô tả” người vợ xấu xí, dáng lưỡng quyền, mặt thô mộc”. Lại phục cái nữa là hôn sự đấy rất môn đăng hậu đối, giúp đời anh sang trang mới về sau! Người vợ tuy không đẹp nhưng rất đảm việc nhà, quán xuyến mọi việc, một tay giúp Vương Long gây dựng cơ nghiệp dòng họ Vương phồn vinh không kể những lúc thăng lúc trầm, vậy là anh xong khoản “tậu trâu” và “tậu nhà” tức là việc hôn sự và thăng tiến sự nghiệp đời mình : khởi đầu từ cảnh nghèo khó và bước lên địa vị của một chủ đất giàu sang . Các cụ nhà ta hay có câu “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” thật không sai – Đời Vương Long tả ngắn gọn nếu không phải “Lên nhầm kiệu hoa lấy vợ như ý” thì cũng gọi là “Cưới vợ đổi đời”. Cái tài chọn vợ của Vương Long, khắp thiên hạ này đố ai làm được! Chỉ tiếc rằng, người đàn bà ấy lại có đường tình duyên trắc trở, tuy có tài nhưng lại thiếu sắc khiến Long tuy đã nên vợ chồng nhưng không có lòng với bà, dù họ đã cùng sát cánh bên nhau trong những năm tháng tăm tối của cuộc đời….
Không chỉ là một câu chuyện về cuộc đời sự nghiệp con người, tác giả Pearl Buck còn vẽ lên câu chuyện rất chân thực kể về những thăng trầm chằng chịt trải dài, với những mối quan hệ, những ràng buộc, hỉ nộ ái ố đầy rẫy, có cả những toan tính nhỏ mọn, hèn hạ song hành với việc nghĩa, ân đức trong sự sinh lão bệnh tử một đời người. Có thể khẳng định : Đọc “Đất lành” cũng chính là 1 cách để chiêm nghiệm đời người ngay trước mắt vậy , mỗi người sinh ra vốn dĩ đã mang một số phận khác nhau, nhưng khi sinh ra lớn lên và chết đi đều bó buộc khế ước với đất mẹ, hay chính là với tổ tiên, cha mẹ, gia đình. Đất cho ta cái vốn dựng nghiệp, nguồn sống vĩnh cửu, đất bao dung, không bao giờ phụ ta, từ bỏ ta, nhưng đất không phải nguồn sáng dẫn dắt tư tưởng xuyên suốt cho người. Tình cảm con người là thứ dễ lung lay nhất, thuở hàn vi còn tin tưởng yêu thương nhau, nhưng đến khi có tiền, có sự nghiệp thì tình cảm cũng theo đó mà rạn nứt, lắm tiền sinh tật là thế, đất không phụ nhưng người lại phụ, phụ đất phụ cả người, bởi lẽ con người vốn không ai hoàn hảo cả, tâm hồn người giống như tờ giấy trắng dễ bị vẩy mực lên, dễ lôi kéo buông xuôi, và những luôn cần những phút ngu ngốc sai lầm như vậy mới tỉnh ngộ ra chân lý.
Nói chung cuộc sống cũng giống như cuốn sách vậy, vị ngọt thì ít, mà đắng cay muôn phần. Có những điều trông thấy mà đớn lòng, khổ đau xót xa, ấy thế mà vẫn phải ngậm ngùi nghiến răng mà chịu đựng, mà nuốt ực cái đau đó vào cõi lòng. Điều quan trọng là ta chọn đứng dậy hay nằm gục trước những nỗi đau khổ đó? Vợ chồng Long nếm mật nằm gai từng năm tháng, không quản chông gai sóng gió mới có được ngày hôm nay, cũng như Long đến cuối đời đã nhận ra sự vô tâm ích kỷ với người vợ, và sửa chữa cái sai đó. Đúng vậy, dù con người có tiến xa, có thành đạt đức cao trọng vọng đến đâu, nếu không trân trọng ,biết ơn những điều gần gũi quý giá mà mình từng gắn bó thì quả không đáng làm người !