Chúa ruồi

Rate this post

Nếu có ai hỏi tôi “trong tất cả các thể loại của văn bản thuộc về chữ viết thì loại nào quan trọng nhất?” thì tôi sẽ trả lời là “lịch sử”. Vì lịch sử mang trong nó bài học sống còn của nhân loại, qua nó, chúng ta không mắc phải những sai lầm đã từng trải qua. Nhưng lịch sử có một giới hạn rất lớn, đó là có quá nhiều dữ kiện đan xen nhau, để rút ra những bài học lớn, cần có những bộ não có khả năng phân tích và tổng hợp giỏi. Để tiếp nhận các bài học của sự sống một cách nhanh chóng hơn, các trí giả đã tìm ra một biện pháp hay và đơn giản, đó là lồng chúng (bài học) vào các câu chuyện kể. Chúng ta có thể tìm thấy ở hằng hà sa số những câu chuyện ngụ ngôn trong các cuốn thánh kinh của tôn giáo, hoặc của các thiền sư. Khi đọc hoặc nghe những câu chuyện này, chúng ta không chỉ nắm nội dung mà còn phải hiểu cái hàm ý muốn nói, buộc ta phải suy ngẫm để hiểu.
Vì sao tôi nhắc đến lịch sử? Vì Chúa Ruồi có thể được xem như một bản biên niên ký viết về lịch sử nhân loại, là tổng hợp của nhiều câu chuyện ngụ ngôn, hình tượng ẩn dụ và chúng liên kết chặt chẽ nhau thành một câu chuyện liên tục. Nội dung Chúa Ruồi không phức tạp, chỉ kể về sinh hoạt của một đám trẻ nhỏ bị lạc trên hoang đảo, nhưng ẩn sâu trong câu chuyện đó là lượng thông tin đồ sộ về vô số các bài học sâu sắc nói về chúng ta – con người. Đây là một trong số khá hiếm hoi những tác phẩm mà chúng ta buộc phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới nắm bắt được. Những yếu tố mà tôi vừa nói đều có trong mọi tác phẩm được xem là vĩ đại.
Bọn trẻ đến từ thế giới văn minh, chúng từng được dạy dỗ về cách tổ chức và sống sao cho đúng đắn, cách để sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã. Chúng biết lên những kế hoạch cần thiết, biết ra luật lệ, biết gán quyền lực cho biểu tượng (cái tù và) và trao cho vị thủ lĩnh (Ralph) thông qua bầu chọn. Chúng hiểu cần phải làm gì (đốt lửa) để được cứu về thế giới văn minh, biết bảo vệ những đứa trẻ nhỏ yếu ớt hơn. Có vẻ mọi thứ chúng làm ban đầu vô cùng tốt đẹp nhưng sự việc diễn ra đã không suông sẻ như ta tưởng. Tôi không đi vào chi tiết câu chuyện, bạn phải tự đọc thôi. Tôi chỉ nói về vài điểm quan trọng cần nắm bắt để bạn dễ nắm bắt hơn.

Chúa ruồi - Review sách - reviewsach.info
Điều cần chú ý đầu tiên, mỗi nhân vật trong truyện là một biểu tượng đại diện cho một cá nhân hay thành phần nào đó trong xã hội. Ralph – vị thủ lĩnh lý tưởng, có tầm nhìn, có trách nhiệm. Jack – kẻ say mê quyền lực, bất chấp thủ đoạn, là một nguy cơ cho sự xóa bỏ nền văn minh. Piggy – giới trí giả, thường bị xem nhẹ nhưng vai trò vô cùng quan trọng cho sinh tồn. Simon – tương tự những người đi trên con đường tâm linh huyền bí, truy tìm nguồn gốc mọi sự, chiêm nghiệm sự sống, nhìn thấy những bí mật mà người thường không thể thấy. Bọn trẻ khác – thành phần chỉ biết sống theo bản năng và ý thích, chạy theo sự chỉ đạo của vị thủ lĩnh chúng chọn. Bọn nhỏ – đại diện cho thành phần phụ thuộc và yếu ớt như phụ nữ và trẻ em. Trong cái xã hội nhỏ bé ấy, mỗi biểu tượng sẽ thể hiện ra từng suy nghĩ, xu hướng, hành động, kết quả mà nó đại diện. Mỗi sự kiện hay biến cố cũng đại diện cho từng xu hướng đã diễn ra trong lịch sử loài người.
Chúa Ruồi cho ta thấy những thứ được gọi là tốt đẹp, là văn minh thì mong manh dễ vỡ đến thế nào. Trong khi đó, cái ác, cái tăm tối, tham lam và bạo lực, sự ngây ngô và ngu xuẩn, sự sợ hãi, cái bản năng của loài thú… luôn chực chờ trong ta để chờ cơ hội được lộ diện. “Chúa Ruồi” – biểu tượng của cái ác, cái ghê tởm, tự nó đã có trong ta, mỗi người chúng ta chứ không đâu khác. Ta tạo ra nó, sống trong nó, sợ hãi nó, trốn tránh nó, thỏa hiệp nó và cuối cùng là thờ phụng nó, xem việc nó mang đến cái chết là hiển nhiên, hợp lý và cần thiết.
Điều đáng nói ở đây là mỗi đứa trẻ đều biết chúng cần phải làm gì để được giải thoát, nhưng khi va vào thực tế, chúng sẽ biểu hiện rất rõ ràng cái mà chúng là. Tôi biết, sẽ có rất nhiều người trong chúng ta sẽ tự nhủ mình sẽ không như chúng trong trường hợp của chúng. Nhưng dám chắc là các bạn (và cả tôi nữa) sẽ không bao giờ biết chúng ta là cái thứ gì khi mà một biến cố tương tự thế xẩy đến. Nên nhớ, tác phẩm được sáng tác sau chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ vài năm. Một dân tộc như Đức, được xem là văn minh bậc nhất, kinh đô của nền triết học thế giới, vậy mà đã làm những điều khủng khiếp bậc nhất từ xưa đến giờ. Sự kiện đó như một cái tát tai rõ ràng cho niềm tự hào về bản tính con người, về nền văn minh thế giới. Xét cho cùng, nhân loại cũng như bọn trẻ trên hoang đảo, và tác phẩm mượn bọn trẻ và câu chuyện của chúng để nói lên điều đó.
Chúa Ruồi sẽ gây chán cho những ai tìm một câu chuyện mà nội dung lắt léo, giật gân hay muốn có nhiều tình cảm ướt át. Nhưng nó là một tác phẩm hay cho những ai thích suy ngẫm, thích đi tìm nguồn cội của mọi thứ. Và tôi nghĩ câu hỏi “nhân vật này, biến cố này đang thể hiện điều gì?” là một câu hỏi cần thiết khi đọc các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của thế giới.
11h43 Ngày 18/02/2018
Nguyễn Minh Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[X]
i9bet 1