Xem thêm : HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG _ BLAIR T.SPALDING – Nguyễn Phong
Những nhân vật xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Tuân không phải kỳ nhân, dị sĩ thì cũng là quái kiệt, phong lưu. Trong tác phẩm Chùa Đàn, một tác phẩm đậm chất liêu trai, ông cũng dựng lên 3 quái kiệt làm người đọc không thể nào quên: Điền chủ Lãnh Út, một gã bê tha, trụy lạc, căm ghét một cách cực đoan mọi thứ thuộc về văn minh cơ khí sau cái chết do tai nạn xe lửa của người vợ hiền; Bá Nhỡ, một quản gia tận tụy, một kẻ vẫn treo trên đầu mình một án tử hình, và có tài chơi đàn tuyệt đỉnh; Cô Tơ, một danh ca với giọng ca khiến bao tài tử văn nhân đương thời quyến luyến, đắm say.
Ba con người đó đã hợp ca lên một bản hòa tấu diệu kỳ, một đỉnh cao của nghệ thuật đủ khiến:
– Một người chết được tái sinh
– Một người sống trút hết tinh hoa một đời và chết khi chơi bản đàn tuyệt diệu
– Một ca nương cất lên tiếng hát như suối thủy tinh, như châu như ngọc, tuyệt đỉnh, vụt sáng như ánh chớp.
– Một kẻ lạc lối tìm ra ánh sáng, thoát cơn mê muội, sống lại cuộc đời mới.
Chùa Đàn có 3 phần: Dựng; Tâm sự của nước độc; Mưỡu cuối. Tuy nhiên những gì tinh hoa nhất, những nhân vật đáng nhớ nhất đều nằm ở phần 2 “Tâm sự của nước độc”. Bản thân “Tâm sự của nước độc” đã đủ để Chùa Đàn thành kiệt tác văn chương rồi, việc viết thêm 2 phần “không thể vô duyên và nhạt nhẽo hơn” vào chẳng khác nào việc “vẽ rắn thêm chân”.
Hôm nay, tôi đọc lại Chùa Đàn (phần “Tâm sự của nước độc”) cảm giác vẫn lạnh lạnh, run run vì sợ quá, vì đẹp quá. Từng câu, từng từ được tác giả gọt giũa tỉ mỉ, khát vọng đạt tới đỉnh cao chói lọi của nghệ thuật, dù phải trả giá bằng sinh mệnh luôn khiến tôi luôn rùng mình và thở dài.
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Hy sinh vậy có đáng không?
Có đáng không?
(Luong Dang Xuan)
Bạn đang xem: Chùa Đàn – Nguyễn Tuân
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học Việt Nam