Căn bếp màu xanh

“Người trẻ có thể muốn một điều gì đó – xuất phát từ những lí do rất nhất thời, nhỏ nhặt mà họ không nhận ra. Và họ thiếu khả năng xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh […] Các em muốn biết nên chọn nước nào để đi, ngành nào để học và làm việc thì nên tìm hiểu về môi trường văn hóa, chính sách định cư của những nước đó trước đã. […] Việc xây dựng một kế hoạch đúng đắn ngay từ đầu sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức và tránh rơi vào cảnh đi cũng dở ở lại cũng dở sau này.”
( “Căn bếp màu xanh” – Bluer )

Chưa từng nghĩ sẽ đọc được những lời chí lí thế này trong một cuốn sách “có vẻ” như là một cuốn sách đơn thuần về bếp núc. =]] Tư duy và hành động của tác giả khiến mình khâm phục thật sự. Highly recommend cuốn này với những bạn trẻ đang loay hoay không biết nên làm gì với những khó khăn ở đời; đặc biệt đề cử với những bạn có hứng thú muốn tìm hiểu việc bếp núc và muốn trở thành đầu bếp.

“Căn bếp màu xanh” gọi là tản văn nhưng mình nghĩ nên gọi là hồi kí hay tự truyện thì chuẩn hơn. Trong này, tác giả Bluer không chỉ nói về công việc của mình mà còn kể lại quá trình từ khi còn là một du học sinh một thân một mình ở Úc, gần như trắng tay mà đến với nghiệp bếp núc và sau đó thành công trở thành một đầu bếp tài giỏi. Chắc “Căn bếp màu xanh” có thể xếp cả vào dòng sách truyền cảm hứng nữa. Vì khi đọc xong, mình vỡ vạc ra nhiều thứ và cảm thấy mình cần phải hành động và lên kế hoạch cho tương lai thì tốt hơn.

“Không thành công thì cũng thành nhân.”

Mình khá ấn tượng ở cách đưa ra lời khuyên, bày tỏ những trải nghiệm và quan điểm của tác giả. Đến giờ chắc vẫn nhiều người quan niệm, cứ đi du học là phải thành tài, sau khi học xong làm lương mấy nghìn đô, đi xe này xe nọ, làm ông nọ bà kia… thế nhưng Bluer lại quan niệm, chỉ cần xác định được mục tiêu và mình cần gì khi đi du học, có cần thiết phải đi du học không, và thật sự muốn đi để mở mang thế giới, thì cứ đi thôi. “Không thành công thì cũng thành nhân”, thành công lớn nhất của đời người không phải đo bằng vật chất, mà đo bằng kinh nghiệm sống và cách đối nhân xử thế của bạn. Nên học làm người trước, rồi sau đó hãy tính đến chuyện học làm giàu.

“Căn bếp màu xanh” – câu chuyện của Bluer không chỉ gói gọn trong một căn bếp, mà nó đã mở ra cả một thế giới thực tế. Tin rằng khi đọc xong cuốn sách này, không chỉ có thêm kiến thức và kinh nghiệm về nấu ăn, mà bạn còn sẽ vững tin hơn với cuộc sống, lạc quan nhìn đời và tiến lên phía trước.

Reviewer: Cây Chậu

“Căn bếp màu xanh” – một cuốn sách truyền cảm hứng rất tốt.

Mình mua “Căn bếp màu xanh” vì nghĩ rằng đây sẽ là một cuốn sách nói nhiều về việc bếp núc và có thể “bỏ túi” vài tips hữu ích vì nói thật là trình bếp núc của mình cũng “í ẹ” lắm, với lại nhìn bìa sách xinh dã man, đúng kiểu mình thích luôn. Cơ mà kết quả khi nhận sách và giở ra đọc thì thật là không ngờ. “Căn bếp màu xanh” không chỉ nói về căn bếp, mà nó là cả một thế giới thực tế qua con mắt của một du học sinh Việt Nam ở Úc. Sau khi đọc xong và gấp sách lại, mình cảm thấy bản thân như được tiếp thêm một nguồn năng lượng tích cực.

Mình vẫn luôn biết, việc đi du học và làm việc ở nơi đất khách quê người rất khó khăn và vất vả. Bạn bè và người quen mình cũng có rất nhiều người đi du học nên mình cũng có thể mường tượng được cuộc sống của một thanh niên trẻ một mình trên nước Úc và tất bật với nghề bếp ra sao. Bluer những ngày đầu trên nước Úc rất vất vả. Anh bắt đầu từ con số 0, gần như không biết gì về chuyện bếp núc, cuộc sống cần trang trải nhiều thứ nên năm đầu tiên của Bluer chỉ xoay vần quanh chữ “tiền”. Thế rồi dần dần, từ xuất phát điểm là anh phụ bếp vừa chiên gà vừa chạy bàn, Bluer bén duyên với nghề bếp, cuối cùng từng bước từng bước gắn bó và trở thành một người thành công trong lĩnh vực này.

Khi đọc “Căn bếp màu xanh”, mình bị ấn tượng bởi sự cố gắng và nỗ lực có thể gọi là “phi thường” của Bluer. Chỉ những ai đã thoát khỏi vòng tay bố mẹ và bước vào trường đời mới hiểu được, kiếm tiền nuôi sống chính mình khó khăn nhường nào. Mình không ngưỡng mộ những người được lo lót cho con đường trưởng thành từ đầu chí cuối, tiêu xài hàng hiệu nhưng tiền lại là của phụ huynh; mà ngưỡng mộ những người lương tuy chỉ mười mấy ngàn một giờ (lương của Bluer ban đầu khi ở Úc chỉ là 9 đô một giờ) , nhưng luôn nỗ lực để xây dựng nền móng kinh tế và trang trải cho nhu cầu sinh hoạt của bản thân. Vậy mới nói, “Căn bếp màu xanh” là một cuốn sách truyền cảm hứng vô cùng tốt. Nếu như bạn đang chán nản trong công việc và nghĩ mình không thể bước tiếp, hãy nghĩ tới những gì bạn có thể gặt hái trong tương lai, vì tương lai mà kiên cường bước tiếp. Ngay chính Bluer khi bắt đầu cũng không nghĩ mình có thể tiến xa được đến vậy, và mình tin chắc rằng tất cả chúng ta đều có thể tiến xa hơn ta nghĩ, chỉ cần ta đủ cố gắng. Hôm nay bạn chăm chỉ làm việc, ngày mai ắt bạn sẽ thành công! 👍

Reviewer 2: Nhiễm Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *