Hơi thấy hối hận vì đã để ngâm dấm quyển này hơi lâu mới lôi ra đọc. Cũng không hào hứng lắm khi lôi ra đọc đâu nhưng khi đọc thì lại cố cắm cúi đọc cho hết để sống cùng cái số phận nghiệt ngã, cay đắng của Tám Bính.
Cả một hiện thực được tái hiện, một sự bế tắc cho số phận một con người.
Nhờ Tám Bính mà tôi biết được rằng chỉ vì cái định kiến hủ tục đã đưa đẩy một con người trở nên tha hoá.
Tám Bính, từ một cô gái thôn quê thật thà chất phác, ngây thơ, có nhan sắc. Chỉ một lần trót dại lầm lỡ đã đẩy cuộc đời của cô trượt một bước trượt dài.
Ở quê chẳng đặng phải bỏ xứ ra đi để rồi cuộc đời xô đẩy dấn thân vào con đường bán trôn nuôi miệng nhơ nhuốc, nhục nhã, rồi cùng với Năm Sài Gòn trở thành một tay anh chị khét tiếng, một nỗi sợ hãi cho mọi người từ chợ Sắt Hải Phòng tới các chuyến “chạy dọc”.
Trai tứ chiếng – gái giang hồ. Cuộc đời xô đẩy cô gặp được Năm Sài Gòn – nức tiếng đất cảng Hải Phòng. Với thành tích vào tù ra tội, mặt chằng chịt chiến tích trong những lần đâm chém. Đứng đầu một nhóm đàn em với nghề chính là cướp giật, móc túi.
Nhờ Năm Sài Gòn mà tôi biết được thế nào là “Hiếc” là “Khai” là “Te” là “Ngũ đị” là những tháng ngày vất vưởng ở nơi tụ họp của dân tứ xứ, sống bằng những cướp bóc, lừa lọc, giết chóc, cờ bạc, thuốc phiện.
Bỉ vỏ là một bức tranh hiện thực của những thành phần tận cùng của xã hội: cay đắng, cùng cực, nhơ nhớp, bẩn thỉu.
Mặc dù ở tầng lớp tận cùng của xã hội nhưng đâu đó vẫn là tình nghĩa, tính nhân văn. Dẫu rằng khét tiếng trong giới anh chị đất Hải Phòng nhưng đối với Tám Bính thì Năm Sài Gòn lại tận tâm tận tình với Tám Bính: quan tâm, chăm sóc thuốc thang lúc Tám Bính ốm đau.
Không biết những từ lóng của giới anh chị đất Hải Phòng bây giờ có còn được dùng không nhưng trong Bỉ Vỏ có rất nhiều những từ lóng mà chỉ có dân anh chị mới hiểu được (cũng may mà có giải thích ở dưới chứ không là cũng chịu chết không thể hiểu được). Mà rất thích những đoạn đối thoại cũng như tiếng lóng của dân anh chị trong tác phẩm này.
Có thể nói một từ “oan nghiệt” khi đọc cái kết của Bỉ Vỏ.
Sau tác phẩm này sẽ cố gắng tìm đọc nhiều hơn nữa các tác phẩm Văn học Việt Nam. Ai rảnh giới thiệu dùm tôi.
Giả sử:
Nếu Tám Bính sinh ra ở thời nay thì chắc sẽ không bị đưa đẩy tới những tháng ngày trượt dốc dài như vậy. Cái hủ tục ngày xưa không chồng mà chửa thì bị gọt đầu bôi vôi bêu rếu khắp làng giờ xưa rồi diễm. Bây giờ á, phải thử trước, máy ngon đẻ được mới lấy, không nhỡ lấy về bị tịt không đẻ được thì sẽ bị chửi rủa là đồ không biết đẻ, mất công chạy chữa đó.
Xin lỗi tự dưng lại muốn nói câu này. Nhân vật Tám Bính như kiểu tôi muốn sống lương thiện mà xã hội không cho tôi lương thiện ý.
Xem thêm : Đinh Trang Mộng – Diêm Liên Khoan
Tác giả bài review: Binh Boog (https://www.facebook.com/binh.boog.1)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học