Có người nói “Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên là tình yêu thuần khiết nhất, đẹp đẽ nhất vì nó chưa bị ảnh hưởng bởi lời nói hay hành động lấy lòng từ đối phương”. Có người lại cho rằng: “Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên là tình yêu phù phiếm bởi đó chỉ là sự thu hút ngoại hình ban đầu, chỉ có tình yêu được tìm hiểu qua năm tháng mới là tình yêu bền vững”. “Bên kia đường có đứa dở hơi” là cuốn sách viết về cả hai khái niệm tình yêu mà tôi vừa mới đề cập ở trên, mà đúng hơn là những rung động đầu đời chứ không hẳn là yêu. Cuốn sách được viết qua góc nhìn của 2 đứa trẻ, Juli và Bryce, nhà đối diện, cách nhau một con đường, lần lượt đứa này thay phiên nhau “dở hơi” trong mắt đứa kia.
Xem thêm : Review Sách: “Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa”: Khi Chia Xa Là Để Trở Về Bên Nhau Lần Nữa
Mặc dù đây là tác phẩm nói về tình cảm tuổi teen nhưng nó không hề nổi loạn, sến súa, rắc rối như độ tuổi này. Đó là một câu chuyện thú vị, trong trẻo, dễ thương, tràn ngập ánh sáng và tình yêu, không chỉ là tình yêu tuổi mới lớn mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu cuộc sống. Dưới ngòi bút khéo léo của tác giả và khả năng chuyển ngữ uyển chuyển, dí dỏm của dịch giả Đỗ Thu Hà, cuộc sống của Juli và Bryce thật thú vị và nhiều màu sắc, giống như một đám cầu vồng rực rỡ, khiến tôi muốn ngắm mãi không thôi. Và khi truyện hết, tôi thấy tiếc, chỉ muốn cuốn sách dài ra mãi để đọc miết không dừng.
Ngoài việc cực thích giọng văn của tác giả, tôi còn rất thích quan niệm về giáo dục con người, về nhân sinh quan của tuổi mới lớn ẩn chứa trong từ câu chữ của Wendelin Van Draanen. Bà sáng tạo ra Juli yêu cây cối, yêu động vật, yêu thiên nhiên, biết tận hưởng cuộc sống và mạnh mẽ, dám đấu tranh cho những thứ mà cô bé thích. Hình ảnh cô nhóc trèo lên ngọn cây tiêu huyền, tận hưởng khung cảnh kì diệu của thị trấn dưới những tán cây và gió mát như một phép mầu và sau đó vừa gào vừa khóc kiên quyết không chịu leo xuống để bảo vệ cái cây khỏi bị chặt làm tôi vừa thương vừa quý rồi đến việc cô bé ấp trứng, đặt tên cho những chú gà con, âu yếm nói chuyện với chúng, một cảnh tượng vô cùng đẹp đẽ mà đứa trẻ cả đời sống ở thành phố như tôi không thể cảm nhận được. Bà cũng tạo ra được những bước tiến lớn trong tâm lý của nhân vật Bryce, đầu tiên là ghét bỏ, sau đó mới nhận ra“Đừng bao giờ đánh giá con người và cuộc sống theo vẻ bề ngoài”. Hai con người đối lập, hai ngôi nhà đối lập, trong từng từng huống, sẽ có những góc nhìn khác nhau. Có những thứ tưởng đẹp đẽ mà không phải vậy, có những thứ tưởng cũ kĩ, xấu xí nhưng thật ra lại lấp lánh sự tử tế, chỉ có cách nhìn “đúng sáng” mới có thể đưa ra nhận định chính xác.
“Có lẽ đã đến lúc cần nhìn cậu ấy thật đúng sáng.”
(Ánh Chu review)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Reviews