Ánh đèn giữa hai đại dương: Khúc ca về tình yêu giữa điệp trùng sóng vỗ

Ánh đèn giữa hai đại dương: Khúc ca về tình yêu giữa điệp trùng sóng vỗ 
Rate this post

Trên nền đại dương bao la xanh thẳm, Ánh đèn giữa hai đại dương đã phác nên một câu chuyện thật đẹp về tình yêu và lòng trắc ẩn. Một cuốn tiểu thuyết không có một cái kết quá viên mãn, trọn vẹn nhưng những dư âm dịu dàng mà tác phẩm để lại vẫn luôn ngập tràn trong tâm hồn độc giả.

Cuốn sách giản dị, nhẹ nhàng ấy chính là một liều thuốc bổ cho tâm hồn mỗi người giữa cuộc sống muôn vàn khó khăn, trắc trở. Cốt truyện ẩn chứa nhiều xung đột cùng những điều nhỏ bé phi thường chắc chắn sẽ thu hút độc giả ngay từ những trang đầu tiên.

Đôi nét về M.L.Stedman và tác phẩm Ánh đèn giữa hai đại dương

M.L.Stedman sinh ra và lớn lên tại miền Tây nước Úc nhưng bà dành phần lớn thời gian sống và làm công việc luật sư tại London, thủ đô nước Anh. Stedman lần đầu tiên thử sức với việc sáng tác vào năm 1997 và sau đó, nhà văn tham gia một số khóa học chuyên về viết lách cũng như xuất bản một số tuyển tập.

Ánh đèn giữa hai đại dương là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Stedman, được lấy cảm hứng từ chính quê hương bà tại Úc. Cuốn sách nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thuộc danh mục sách bán chạy nhất do tạp chí New York Times bình chọn và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Hấp dẫn… mê đắm… một câu chuyện tuyệt diệu hút mắt ta ngay từ trang đầu tiên.

  • Oprah Magazine

Tiểu thuyết được vinh danh tại Giải thưởng Sách của năm của ngành xuất bản Úc khi mới được phát hành rồi sau đó được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2016.

Ánh đèn giữa hai đại dương là câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình đầy mâu thuẫn khi mà khoảng cách giữa lỗi lầm và sự thấu cảm chỉ cách nhau vài gang tấc.

Không phải là một kiệt tác xuất sắc được trao giải Pulitzer hay có một cốt truyện hồi hộp, bất ngờ như các sáng tác của Marc Levy và Guillaume Musso nhưng cuốn tiểu thuyết dịu êm ấy vẫn chứa đựng những trang văn giàu cảm xúc được viết nên từ một trái tim chân thành, sâu sắc.

Vì lẽ đó, mỗi lần đọc cuốn sách chính là một lần độc giả được đắm chìm vào thế giới nhân văn muôn màu muôn vẻ, giàu triết lý nhưng không hề giáo điều hay ràng buộc, để ta có thể tự rút ra cho mình những bài học cuộc sống tốt đẹp.

Tình yêu ngọt ngào và lắng đọng trong Ánh đèn giữa hai đại dương

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Tom Sherbourne, một người đàn ông mang trong mình nhiều thương tổn do chiến tranh đem lại trong suốt bốn năm anh đương đầu với khói lửa. Nỗi đau về thể xác và sự dằn vặt trong tâm hồn luôn thôi thúc Tom đi tìm lại sự an yên và chính điều ấy đã đưa bước anh đến với ngọn hải đăng trên hòn đảo Janus Rock.

Rồi anh tỉnh dậy, nhận ra mình đang ở một nơi chỉ có gió, sóng và ngọn đèn biển cùng với thứ máy móc phức tạp để giữ lửa cháy và quay đều. Lúc nào cũng quay, trông chừng mọi hiểm nguy.
Nếu anh có thể đi đủ xa – để mà tránh được cả con người và ký ức, biết đâu, thời gian rồi cũng sẽ chữa lành.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Janus là một hòn đảo cô độc, nằm trên bờ biển phía Tây, một nơi hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài và Tom chỉ được tiếp xúc với người dân qua những chuyến hàng tiếp tế từ mũi Partageuse, một thị trấn nhỏ bé giữa lòng đại dương.

Cũng tại nơi xứ Mũi ấy, Tom đã gặp Isabel, tình yêu của cuộc đời anh, người đã chấp nhận theo anh đến hòn đảo lạc lõng và sống cuộc sống chỉ của riêng hai người.

Isabel mà anh gặp trên cầu tàu, đầy sức sống, liều lĩnh, tinh nghịch. Nửa bầu trời còn lại của anh.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Isabel sinh ra và lớn lên tại vùng biển, đáng yêu và tràn đầy năng lượng, đã thổi niềm hạnh phúc, sự hy vọng cùng khát khao được yêu thương vào trái tim tưởng như đã nguội lạnh của Tom.

Cô say sưa kể cho anh mọi thứ, về cuộc sống của mình và gia đình, về xứ Partageuse quê hương cô và về những ước vọng nhỏ bẻ của một thiếu nữ vừa chớm đôi mươi.

Cứ thế, Isabel khiến Tom chìm đắm vào tình yêu lúc nào không hay và cũng chính nàng là người mang đến cho anh sợi dây kết nối với cuộc đời thêm một lần nữa bằng sự dịu dàng, thấu hiểu.

Mỗi người cứ như là… cả một dãy ngân hà để khám phá. Em muốn biết về dãy ngân hà của anh.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Ở bên cô, anh được là chính mình với một tâm hồn trong sạch, thuần khiết nhất, khi những bóng ma quá khứ vẫn hằng đeo đuổi Tom đã bị hào quang của Isabel làm cho tan biến.

Hai con người với hai cá tính trái ngược nhau, Tom nguyên tắc, luôn hành động lý tính còn Isabel sôi nổi và nhiệt huyết đã thu hút lẫn nhau, từ đó vẽ nên một chuyện tình thật đẹp giữa muôn ngàn sóng vỗ.

Isabel chính là vì sao đẹp đẽ mà thế gian ban tặng cho Tom, là ngọn hải đăng lấp lánh chỉ dẫn cho tâm hồn chìm sâu trong bóng tối suốt nhiều năm của anh.

Tôi ước gì em có thể thấy cảnh bình minh và hoàng hôn nơi đây. Và cả những vì sao nữa: bầu trời mỗi đêm đầy sao, nhìn các chòm sao lướt qua trên bầu trời mà giống như đang xem kim chạy trên mặt đồng hồ. Mỗi khi sao giăng tôi thấy mình được an ủi, cho dù ngày hôm đó có tồi tệ đến đâu, mọi thứ hỏng hóc đến mấy nữa… Chúng cứ chiếu sáng, mặc cho đời trôi. Tôi cũng nghĩ như vậy về ngọn hải đăng; như một mẩu sao từng rơi xuống thế gian: chỉ biết chiếu sáng, mặc sự đời.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Hai người kết hôn, tận hưởng những ngày tháng tươi đẹp trên hòn đảo Janus, nơi Isabel có thể tự do làm điều mình thích và Tom thì được chữa lành mỗi ngày.

Thế nhưng, cuộc đời mỗi người cũng tựa như đại dương bao la, khi êm đềm sóng vỗ khi lại cuộn trào bão tố. Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng cũng bị thử thách bởi muôn vàn khó khăn, dằn vặt.

Khi ranh giới giữa tình thương và sự sai trái quá đỗi mong manh

Bi kịch của cuốn tiểu thuyết bắt đầu khi Isabel mang thai đứa con đầu lòng. Cuộc đời tàn nhẫn và hoàn cảnh khó khăn nơi đảo xa đã cướp những đứa trẻ khỏi hai người khi Isabel không may để sảy thai tới ba lần.

Cô gần như tuyệt vọng trước nỗi đau mà số phận đem lại, việc mất con biến Isabel từ một cô gái ngây thơ, vui vẻ thành một người phụ nữ nhiều u buồn.

Ngay lúc Tom và Isabel chìm trong đau khổ và mất mát, một điều kì diệu đã xảy đến với họ khi có một chiếc thuyền bị trôi dạt vào đảo. Trên con thuyền ấy, có một đứa trẻ còn sống và một người đàn ông đã chết.

Chính đứa trẻ ấy đã khơi gợi ở Isabel bản năng làm mẹ, làm dấy lên tình mẫu tử trong cô ngay từ khoảnh khắc cô ôm đứa bé trong tay. Isabel khẩn cầu chồng mình, người làm công việc ghi chép mọi sự kiện xảy ra trên đảo, giữ lại đứa nhỏ và nuôi nấng nó như con của hai người.

Tom với sự trách nhiệm, kiên định của mình đứng trước lựa chọn khó khăn giữa nỗi đau mất con của vợ và sự vô vọng của một người mẹ nào đó đang mong chờ tin đứa con bị thất lạc.

Giờ đây, chứng kiến đứa bé bị chia cắt từ người mẹ ngay lúc vừa ra đời – chia cắt khỏi người đàn bà duy nhất trên đời mà Tom thương yêu, anh thấy còn đau đớn khủng khiếp hơn.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Cuối cùng, sau rất nhiều những giằng xé giữa lý trí, lương tâm và tình yêu nơi trái tim, Tom quyết định nghe theo vợ, không báo cáo về sự việc chiếc tàu trôi dạt. Đứa trẻ trở thành con của hai vợ chồng, được đặt tên là Lucy.

Dần dần, cả Isabel và Tom đều dành cho Lucy tình thương thật sự, họ yêu thương cô bé nhiều đến nỗi tin rằng hai người thật sự là cha mẹ ruột của Lucy. Nếu lòng trắc ẩn và tình yêu thương mù quáng ấy là nguyên nhân gây ra nỗi đau của một người phụ nữ khác, liệu cả hai có phải là những kẻ tội đồ xứng đáng bị trừng phạt?

Người phụ nữ đáng thương ấy là Hannah, người mẹ thật sự của Lucy mà đúng ra là Grace, cái tên mà cô và người chồng xấu số đã đã đặt cho cô con gái duy nhất. Ngày cô mất đi người chồng và đứa con nhỏ, cô gần như đánh mất cả cuộc sống và nỗi ám ảnh vẫn bám lấy tâm trí không ngừng.

Với Hannah Roennfeldt, cô biết mình không thể chia sẻ với ai ký ức về cái ngày đau khổ đó. “Bới lại chuyện cũ – để làm gì chứ?” … Nhưng Hannah thì nhớ mãi

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Chẳng cách nào có thể đem so sánh nỗi đau mà cả hai người phụ nữ phải gánh chịu, bởi cuối cùng, dù có là ai đi chăng nữa thì tình yêu mà họ dành cho Lucy- Grace vẫn là duy nhất.

Isabel có một tâm hồn thánh thiện và bản chất lương thiện nhưng bị mờ mắt bởi tình thương, vẫn luôn lo sợ, tội lỗi mỗi khi đối diện với Hannah. Những đấu tranh tâm lí được khắc họa sâu sắc trong cuốn tiểu thuyết khiến độc giả cứ mãi trăn trở về ranh giới giữa đạo đức và tình yêu thương.

Khi mà hạnh phúc là một tấm chăn quá nhỏ, người này được toại nguyện thì người kia sẽ phải chịu nỗi dày vò thì đâu mới là câu trả lời thỏa đáng cho tình yêu thương và nỗ lực đi tìm công lí.

Cuốn tiểu thuyết sẽ đưa người đọc đến cái kết có thể không trọn vẹn nhất nhưng là kết thúc đẹp đẽ nhất cho tất cả những nỗi đau mà các nhân vật phải trải qua. Dẫu có những xung đột tâm lý gay gắt, những biến chuyển đầy oái oăm của lương tâm con người thì rốt cuộc, tình yêu thương vẫn luôn là thứ đẹp đẽ, lấp lánh nhất trong suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết.

Có những lúc đại dương chẳng còn là đại dương – không còn màu xanh, không chỉ là nước mà là cơn bùng nổ cuống nộ, đầy sức mạnh và hiểm nguy: sự dữ dội chỉ có Chúa mới gọi đến được… Đó cũng là những đêm người ta cần đến ngọn đèn biển nhất.

  • Ánh đèn giữa hai đại dương

Ngọn hải đăng là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp của lòng yêu thương giữa cuộc đời muôn vàn những chông gai, thử thách. Tội lỗi và tình yêu đôi khỉ chỉ cách nhau vài gang tấc nhưng ta luôn có thể tin vào ánh sáng của ngọn hải đăng trong tâm hồn mình.

Bằng khả năng khắc họa tâm lí nhân vật xuất sắc của M.L.Stedman, độc giả chắc chắn sẽ bị cuốn hút vào câu chuyện đầy cảm xúc về tình yêu, tình cảm gia đình cùng với sự cảm thông và tha thứ.

Ánh đèn giữa hai đại dương là một cuốn sách vừa đủ để chữa lành cho tâm hồn mỗi người, một khúc ca dịu dàng giữa đại dương bao la nơi con người luôn cần có một điểm tựa lung linh và vững chãi.

Tuệ Anh