1984 – GEOGRE ORWELL

Rate this post
Nếu có thang đo cho mức độ khó đọc và ý nghĩa thì mình sẽ chấm 4.5/5!, thật sự rất khó đọc và hiểu hết được tất cả những gì tác giả muốn truyền tải.
Bánh mì thì phải có pate, bún đậu thì phải có mắm tôm, đã có “Trại súc vật” thì ắt sẽ có “1984”.
Nội dung:
Lấy bối cảnh năm 1984 tại London (Anh), Winston Smith- một đảng viên 39 tuổi trên đường tham gia ngầm vào công cuộc bạo loạn và chống phá lại tư tưởng của Đảng, anh mất niềm tin vào bộ máy độc tài của đất nước, nơi mà tất cả mọi người làm gì, ăn gì, uống gì cũng được giám sát một cách kỹ càng, nơi mà trẻ con đi coi treo cổ tội phạm vào cuối tuần như một sở thích, nơi mà những người chống Đảng được gọi là Culi và bị đối xử cùng giai cấp với súc vật, nơi mà Đảng nói “2+2=5” thì bạn cũng phải gật đầu đồng ý!
 Diễn biến: (Không spoil!)
Là một đảng viên trong tổ chức của bộ máy nhà nước, nhiệm vụ của anh là làm trong Bộ sự thật, nơi anh phải sửa và fake lại hoàn toàn thông tin để đưa lên báo và truyền bá cho phù hợp với nền chính trị hiện tại. (Ví dụ: Theo báo cáo của Đảng là “hạ khẩu phần ăn chocalate từ 30g xuống 25g”, nếu lan truyền như vậy thì người dân và công nhân sẽ than vãn và mất niềm tin vào chính sách đãi ngộ. Nhiệm vụ của anh là làm thay đổi thông tin có lợi cho Đảng nhất có thể, anh sẽ ghi thành “Đảng nâng khẩu phần ăn chocalate từ 20g lên 25g”, vẫn là con số 25g chocalate nhưng là hai góc nhìn hoàn toàn trái ngược nhau.)
Winston luôn ấp ủ một ý định tham gia cách mạng và lật đổ bộ máy nhà nước mà anh cho là đã thói nát này. Đứng đầu bộ máy tổ chức là một người có tên là Anh Cả (Big Brother), người mà do Đảng tạo ra và tôn lên là lãnh đạo, người có quyền hành được phán quyết ai sẽ sống và ai sẽ phải chết, nói đúng hơn “Anh Cả” không phải là một con người thật mà là một hệ tư tưởng, là một bộ luật, là một lãnh đạo hư cấu do Đảng tạo dựng. Trải qua suốt câu chuyện sẽ là một Winston tìm mọi cách để lật đổ được hệ tư tưởng “Anh Cả”.
Bên kia chiến tuyến cách mạng được cho là cầm đầu bởi một người tên Emmanuel Goldstein – cũng là một hệ tư tưởng, không phải là con người thật- một kẻ thù của Đảng, của “Anh Cả”, là một người Winston không sùng bái nhưng rất thích cách tư duy và hoạt động của ông. Trên con đường lật đổ Đảng, Winston còn đồng hành cùng một cô gái tên là Julia, cả hai sẽ tiếp thu được những tin hoa mà Goldstein để lại và tiếp tục triển khai cách mạng, hay sẽ bị Đảng nhồi sọ và tẩy não để trở thành một phần của bộ máy chính trị độc tài?, mời bạn đọc “1984”.
 Thông tin về “Ba vùng chiến sự”
Ba vùng chiến sự này sẽ xuất hiện trong suốt nội dung truyện, nên nắm kiến thức cơ bản về ba vùng này sẽ giúp bạn đọc dễ dàng hơn.
Eurasia (hệ tư tưởng: Neo-Bolshevism) bao gồm miền Bắc Âu, Bắc Á, kéo dài từ Bồ Đào Nha cho đến tận eo biển Bering.
Oceania (hệ tư tưởng: Ingsoc, tức là Chủ nghĩa xã hội Anh) bao gốm Châu Mĩ, các đảo trên Đại Tây Dương, Anh quốc, Châu Úc và miền Nam Châu Phi.
Eastasia (hệ tư tưởng: Xóa bỏ bản thân, hay còn gọi là thờ cúng cái chết), nước nhỏ nhất, biên giới phía Tây không được xác định, bao gồm Trung Quốc và các nước ở phía Nam, Nhật Bản, nhưng vùng này rất hay đổi chủ, vùng Mãn Châu, Mông Cổ và Tân Cương.
Thứ tự cơ bản của xã hội trong “1984”
– Anh Cả (Big Brother)
– Cảnh sát tư tưởng (Thought Police)
– Đảng viên (gồm 4 bộ cơ bản: hòa bình, dồi dào, sự thật và tình yêu)
– Người dân
– Culi (người theo phe cách mạng, chống Đảng) và súc vật
Cảm nghĩ
Một tác phẩm mang cực kỳ nặng yếu tố về chính trị, không phải một thể loại mình yêu thích, nhưng sự nổi tiếng của tác phẩm đủ để làm mình tò mò và tìm đọc, và mình đã không thất vọng về sự đầu tư của tác giả vào tác phẩm này. Có rất nhiều chi tiết và tư tưởng được đưa ra, mình không tự tin nói mình sẽ hiểu hết 100%, nhưng mình cũng tự tin nắm được 80% tác phẩm để review cho mọi người, mong sẽ đủ làm mọi người tò mò tìm đến và đọc một tuyệt tác về chính trị và phản địa đàng hay như vậy!
Ở phần 2 – chương 9, chương khó đọc nhất trong sách, tác giả sẽ phân tích tư tưởng của Goldstein, lí do chiến tranh, và phân tích cực kỳ rõ ba vùng chiến sự mà mình có nêu ở trên, nên các bạn không cần phải lo về việc vừa đọc vừa search google.
Vì tác phẩm này quá vĩ mô, nên mình không thể nào viết và bàn luận với mọi người trong một chiếc review ngắn như vậy được, hi vọng sẽ có những tác phẩm như vậy để mỗi đọc giả cùng tư duy và học hỏi được nhiều điều hay hơn! (Vì nếu bàn luận mình sẽ phải spoil hết các chi tiết của tác phẩm).
Cách mình tìm và đọc tác phẩm (ft. Trại súc vật)
Hiện tại thì hai tác phẩm đã ngừng xuất bản và “bị cấm” ở Việt Nam, mình đọc hai tác phẩm này thông qua file PDF, có hơi bất tiện nhưng vẫn đọc rất mượt.
Mình kết hợp thêm nghe audio speed x2, nên mình hoàn thành hai tác phẩm này chỉ trong hai ngày, rất nhanh, nghe audio giúp mọi người dù không chú ý vào sách vẫn có thể theo kịp nội dung và không sợ bị đọc xót chữ hay bỏ lỡ chi tiết. Mọi người có thể tìm được audio của hai tác phẩm này rất dễ dàng trên youtube.
Tác phẩm đã được dựng thành phim, bạn có thể xem phim, nhưng nếu bạn nếu nắm được thêm nhiều chi tiết hay và đưa tưởng tượng của mình bay xa hơn thì vẫn nên đọc sách, sách vẫn hay hơn phim.
1984
 Ý KIẾN CÁ NHÂN VÀ BÀN LUẬN (ft. Trại súc vật)
Đa số mọi người đều nhìn nhận “Trại súc vật” và “1984” là một tác phẩm “xấu”, “không lành mạnh”, “lệch lạc”. Mình thì nghĩ ngược lại, mình không nghĩ có một tác phẩm nào là hoàn toàn xấu và không lành mạnh, sách không có tội, sách là sách, sách cũng không phải là một hệ tư tưởng, sách về chủ đề chính trị không phải lúc nào cũng sẽ là một bản tuyên ngôn tuyên truyền tư tưởng chống phá.
Mình nghĩ mỗi đọc giả sẽ đủ thông minh để biết đâu là những kiến thức tốt và đâu là những kiến thức lệch lạc chỉ nên tiếp thu chứ không nên áp dụng, mỗi đọc giả có thể mở rộng tầm nhìn, mở rộng tư duy hơn để có thể liên hệ hai tác phẩm này vào nhiều mặt trong đời sống, kinh tế, khoa học hay một ý tưởng nào đó lành mạnh.
“Trại súc vật” là một truyện ngụ ngôn phản ánh được nhiều mặt và bản chất của xã hội, vì nó là một bản chất xã hội có tồn tại ở xã hội xưa, nên đây vẫn là sự thật và sự châm biếm trong tác phẩm là có thật.
“1984” là một tác phẩm mô phỏng xã hội hư cấu, một phản địa đàng, nhưng giá trị và ý nghĩa mà nó để lại không dừng ở mặt chính trị mà còn nói đến nhiều khía cạnh như tâm lý, giáo dục hay khoa học – “1984” là tác phẩm đuợc bình chọn là “Book of the year” năm 1949!
Mình biết việc hai tác phẩm này bị cấm ở Việt Nam là có lí do, nhưng giờ là 2022, mình nghĩ tất cả mọi người vẫn nên mở lòng, cập nhật tư duy và đọc những tuyệt tác hay như này, bằng chứng về việc hay của hai tác phẩm là “Trại súc vật” được dựng thành phim hoạt hình và “1984” được dựng thành phim, và hai tác phẩm đều rất thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *