Tôi thích những cuốn nói về tương lai của con người, bởi vì ở cái thì tương lai đó, cuộc sống được nhận diện rõ ràng hơn thông qua sự khác biệt khi so với hiện tại. Sự khác biệt đó có thể mang cả hai thứ là tốt đẹp và tồi tệ, nhưng chúng thường tương phản và gắn bó với nhau một cách rõ nét.
Bất kỳ ai cũng có thể suy đoán ra một viễn cảnh của tương lai thông qua những yếu tố nào đó đang trở thành xu hướng thời thượng mà mọi người chạy theo, ta cứ tăng cái xu hướng ấy lên rất nhiều lần và phân tích xem khi đó xã hội sẽ được gì và mất gì. Sự chính xác của suy đoán phụ thuộc vào tầm nhìn và hiểu biết của người đó về con người và xã hội.
Ta sẽ rất kinh ngạc với cuốn sách được viết năm 1953 này, vì những gì đang diễn ra ở hiện tại đã chính xác phần lớn như tác phẩm nêu ra. Và nếu thế giới có sự sai biệt nào thì cũng nhờ vào chúng – những tác phẩm giá trị như thế từ năm này đến năm khác được sinh ra để cảnh báo tất cả chúng ta đừng lao xuống vực thẳm.
Sẽ có lúc không còn lính cứu hỏa khi mà tất cả các vật liệu chúng ta dùng đều chống cháy, điều này vẫn đang diễn ra. Sẽ có lúc công nghệ phát triển đến mức độ khiến con người tiêu tốn phần lớn hoặc hầu hết thời gian để dành cho nó, và vẫn đang diễn ra. Sự tiện lợi được tạo ra để thỏa mãng những nhu cầu vật chất ngày càng cao khiến cho con người lao theo, họ ngày càng trở nên lười biếng trong các hoạt động của trí não, ví như thay vì đọc một bài viết dài thì họ thích đọc những bài viết ngắn, thay vì phải đọc những cuốn sách hàng trăm trang thì họ thích đọc những tin về ăn uống, thời trang hoặc du lịch, tất cả những điều đó vẫn đang diễn ra.
Và cho đến một ngày, họ nghĩ rằng “chúng tôi chỉ cần công nghệ vì nó mang đến niềm vui bất tận, chúng tôi không cần triết học, nghệ thuật, không cần tư tưởng mới, không cần văn học,…vì tất cả đều mang lại sự mệt mỏi khi phải suy nghĩ, sự khổ đau khi nhắc đến, vẽ vời, hoặc viết ra những câu chuyện đau lòng. Chúng tôi cũng chả cần quan tâm thế giới bên ngoài, để chính phủ lo. Hãy đốt hết những thứ tạo ra phiền lụy.” Thế là lính phóng hỏa được sinh ra để mà đốt, đốt hết sách đi – thứ lưu giữ những gì khiến con người biết đến sự đau đớn, nỗi buồn và nước mắt.
……………..
Montag là lính phóng hỏa, anh có một cô vợ, một căn phòng tiện nghi với những màn hình lớn, có một chỉ huy đầy trí tuệ, một đất nước mà người dân không cần quan tâm đến chiến tranh mà chỉ cần vui chơi và hạnh phúc.
Khi này một số câu hỏi quan trọng được đặt ra cho chúng ta:
Anh có hạnh phúc không? Cuộc sống gia đình có trọn vẹn? Điều gì khiến cô vợ uống thuốc quá liều? sao anh thích gặp cô bé? Anh biết anh mất gì sau khi gặp cô bé? Sao cô bé chưa từng đọc sách lại biết nhiều thứ? Sao cô bé lại chết? Sao những người biết giá trị của sách lại để chính quyền đốt chúng? Sao người ta sẵn sàng chết vì sách? Sao anh phải ăn cắp sách không chỉ một lần? Sao chính quyền phải giết những người giữ sách? Sao anh phải chống lại chính quyền? Sao ông chỉ huy hiểu hết lại vẫn đốt sách (câu hỏi quan trọng)? Sao ông chỉ huy lại muốn anh giết ông ấy (câu hỏi này quan trọng nhất) ? sao thành phố bị chiến tranh tàn phá? Sao các ông già phải giữ những cuốn sách trong đầu?
Và câu hỏi cuối cùng: Sao bạn không đọc tác phẩm này dù chỉ có 220 trang?
23h19p Ngày 05/02/2018
Tái bút: Đoạn ông chỉ huy thuyết phục Montag bằng các câu trích mới thật sự là khủng, mỗi câu trích đó có thể viết hằng hà sa số các bài luận văn dài lê thê. Ông ta vừa nêu câu trích trong vai trò cả 2 vị trí đối lập nhau. Nếu bạn có thể tưởng tượng thì nó giống như 2 nhà triết gia đang tranh luận kịch liệt ngày này qua ngày kia, tháng này qua tháng kia thậm chí năm này qua năm kia nhưng giờ chỉ gói gọn trong vài trang giấy.
Bạn đang xem: 451 độ F
Xem thêm : Đánh giá Cổ vật – Minh Nhân Mai Hoa
Nguyễn Minh Chí
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học