19 năm mưu sát – Na Đa

Rate this post
Vào một mùa thu năm 1997, nhân vật nữ chính – Liễu Nhứ nhận được vé vớt vào lớp bồi dưỡng trường Đại học Y Dược. Cô ta khó khăn khi cố gắng hoà nhập vào tập thể ưu tú, tài năng đó. Người duy nhất cô ta kết thân được là Văn Tú Quyên, một cô gái thông minh, xinh đẹp, tài năng, nhưng cũng là đối tượng đang phải hứng chịu sự đố kỵ, ganh ghét từ những thành viên khác trong lớp. Và rồi Liễu Nhứ phát hiện Văn Tú Quyên đang bị đầu độc, tiều tuỵ, chết dần chết mòn từng ngày… Liễu Nhứ hỗ trợ Văn Tú Quyên lần tìm ra manh mối, cũng như Văn Tú Quyên, bằng sự thông minh, bản lĩnh vốn có của mình, quyết tâm vạch trần tội ác. Nhưng rồi vẫn không thể ngăn lại cái chết đã được định sẵn cho Văn Tú Quyên.
19 nam muu sat
Chín năm sau, dù đã an phận, nhưng Liễu Nhứ vẫn ám ảnh bởi cái chết của cô bạn thân. Cô quyết tâm lật lại vụ án năm xưa, từ những lá thư kỳ lạ giấu trong chiếc sáo tiêu Văn Tú Quyên để lại, và từ đó, những sự thật nghiệt ngã, tàn nhẫn dần được phơi bày…
Na Đa đã đưa người đọc đến với một câu chuyện, mà ở đó, những sự ghen tị, lòng đố kỵ, sự ích kỷ được nhen nhóm từ những vụ việc nhỏ nhất, nó dần lớn lên từng ngày, để rồi bùng cháy lên khi đã đủ chín muồi gây nên những kết cục vô cùng thảm khốc.
Với bối cảnh tại lớp bồi dưỡng của trường Đại học Y Dược, nơi tập trung những sinh viên ưu tú và xuất sắc, tác giả cũng đã mang đến cho người đọc đề tài giết người khá hấp dẫn, cùng với đó là cách thức dàn dựng tỉ mỉ của hung thủ, sự tàn nhẫn của hắn khi từng ngày nhìn ngắm nạn nhân của mình chết dần chết mòn, xác xơ hao gầy theo thời gian mà không thể kháng cự lại…
Ở tác phẩm này, nhân vật nữ chính – Liễu Nhứ lại không gây ấn tượng quá nhiều, thay vào đó, nhân vật Văn Tú Quyên lại gây ấn tượng mạnh mẽ. Một cô gái nhà nghèo, sinh ra và lớn lên trong một khu ổ chuột, vốn dĩ thông minh, bản lĩnh, luôn khao khát thay đổi cuộc đời mình, không trừ một thủ đoạn nào, kể cả những mưu mô xảo trá, bẩn thỉu nhất để đạt được mục đích.
Tác giả đã đan xen những câu chuyện của thực tại với quá khứ, những chương đoạn hồi hộp, kịch tính, tiếp nối những phần miêu tả tâm lý nhân vật, nhưng cũng không tránh đươc sự rườm rà không quá cần thiết, mạch truyện đôi khi bị làm chậm lại, những bức thư, những trang viết mang tính tình cảm khá nhiều làm bớt đi tính căng thẳng của câu chuyện.

“Sự ghen tị với người khác nuốt chửng chúng ta nhiều nhất. – Aleksandr Solzhenitsyn”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *